Lúc bấy giờ,ẻsănmồchipu tôi đã chọn xong đề tài cho luận án tiến sĩ nhưng chưa tìm hiểu kỹ về quy trình xuất bản tạp chí khoa học. Nhưng vì thường xuyên nghe thầy cô ở trường và các anh chị khóa trên chia sẻ về chặng đường gian nan để có một bài nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học, nên tôi lờ mờ hiểu rằng, việc này không hề đơn giản. Vì thế tôi có phần nghi ngờ đề nghị hấp dẫn quá sức tưởng tượng kia.
Tôi vẫn hồi âm e-mail nhưng chia sẻ rằng bài viết vẫn còn nhiều vấn đề nên sẽ liên lạc lại khi nó đã hoàn thiện hơn. Sau đó tôi hỏi giáo sư hướng dẫn mình và được biết đây là chiêu trò chào mời phổ biến của các tạp chí săn mồi(predatory journal). Tôi chính là một con mồi tiềm năng.
Các tạp chí này kiếm tiền bằng cách mời chào các tác giả trả một khoản kha khá (khoảng vài trăm USD) để đăng bài, điều không xảy ra ở các tạp chí uy tín. Đặc điểm dễ nhận của các tạp chí này là điều kiện đăng bài khá dễ dãi. Ví dụ, các tạp chí trong ngành khoa học chính trị thường giới hạn độ dài trong một biên độ khá hẹp, dao động 6.000 tới 8.000 từ hoặc 8.000 tới 12.000 từ nhưng một tạp chí săn mồi có thể đồng ý đăng tất cả các bài trong khoảng 3.000 tới 18.000 từ. Hơn nữa, người đăng bài trên các tạp chí săn mồi sẽ không phải "chịu đựng" các công đoạn xuất bản ngặt nghèo thông thường (đôi khi kéo dài tới 1-2 năm). Cuối cùng, khi đã trả tiền, họ sẽ không còn đối mặt với nguy cơ bị từ chối, điều thường xuyên xảy ra khi gửi bài đăng trên các tạp chí uy tín.
Trong ngành Quan hệ Quốc tế tôi từng học, những tạp chí danh giá có tỉ lệ đăng bài chỉ chừng 20% hoặc thấp hơn, tức cứ 10 bài gửi tới thì chỉ có hai bài được đăng (sau một quá trình chỉnh sửa tiêu tốn nhiều công sức). Tôi cũng từng có một bài nghiên cứu cùng hai cộng sự được một tạp chí nhận đăng sau khi đã bị ba nơi từ chối liên tiếp. Tổng cộng, chúng tôi mất khoảng một năm rưỡi từ khi có ý tưởng cho tới khi bị bài viết của nhóm tìm được "bến đỗ". Đó là chuyện hết sức bình thường trong xuất bản nghiên cứu khoa học.
Đối tượng tiềm năng của các tạp chí săn mồi là những người gặp áp lực phải xuất bản khoa học. Với một số người, việc đăng báo khoa học là điều kiện cần để tốt nghiệp bậc tiến sĩ. Với một số khác, việc xuất bản nghiên cứu phục vụ thăng hàm phó giáo sư hoặc giáo sư. Hơn hết, "đánh bóng" tên tuổi và hồ sơ khoa học sẽ giúp ích đáng kể cho các học giả trong việc xin nguồn tài trợ phục vụ nghiên cứu.
Giới học thuật ở Mỹ cũng đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng trầm trọng mà nguyên nhân sâu xa là áp lực xuất bản khoa học. Francesca Gino, một nữ giáo sư nổi tiếng của Trường Kinh doanh Harvard (HBS), người đang nghiên cứu về đề tài "sự trung thực", mới đây đã bị một số học giả cáo buộc ngụy tạo dữ liệu trong nghiên cứu của mình. Những nghi vấn xung quanh nghiên cứu của bà bắt đầu dấy lên sau khi một loạt nhà nghiên cứu khác không thể tái tạo được kết quả nghiên cứu đã được công bố. Điều này về cơ bản giống việc một đầu bếp trứ danh chia sẻ công thức "bí truyền" nhưng không một ai nấu theo có thể làm được ra món ăn đã được quảng cáo. Người dùng sẽ đặt câu hỏi rằng có thật sự người đầu bếp đã nấu món ăn kia theo công thức đã chia sẻ không hay họ đã không thành thật về điều gì đó.
Ngụy tạo dữ liệu không phải là cách duy nhất để gian lận trong xuất bản khoa học. "Xào" lại nghiên cứu của người khác, hay đưa tên mình vào công trình nghiên cứu dù không có đóng góp đáng kể là những cách phổ biến để một người làm dày hồ sơ khoa học mà không tốn công nghiên cứu. Mới đây, một số ứng viên giáo sư và phó giáo sư ở Việt Nam cũng đã bị tố gian dối trong quá trình xuất bản.
Công bố khoa học trên các tạp chí quốc tế là một hoạt động quan trọng của giới nghiên cứu. Áp lực xuất bản sẽ góp phần thúc đẩy các công bố. Nhưng để một nền khoa học non trẻ có thể phát triển bền vững, trước mắt cần ưu tiên chất lượng hơn số lượng. Điều đó đồng nghĩa với việc điều chỉnh các cơ chế theo hướng khuyến khích nhà nghiên cứu tập trung vào các ý tưởng đột phá, các phương pháp tiên tiến và hơn hết, là nỗ lực đăng bài trên các tạp chí thuộc nửa trên bảng xếp hạng thế giới trong mọi lĩnh vực. Họ vẫn sẽ chịu áp lực xuất bản, nhưng không phải là áp lực chạy theo số lượng, chạy theo thành tích. Đó là bước đầu nhưng hết sức quan trọng để giảm thiểu những bài báo "đăng cho có" và trả lại sự liêm chính cho khoa học.
Ngô Di Lân